Logo là yếu tố đầu tiên của thương hiệu mà khách hàng tiếp xúc. Logo tạo nên độ nhận diện của thương hiệu và xác lập sự khác biệt của doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo, các nhà thiết kế thường mắc phải một số lỗi sai làm giảm giá trị biểu tượng của logo. May mắn thay, chúng rất dễ sửa nếu bạn được “trang bị” đầy đủ kiến thức.
Lasso đã chia những lỗi sai này thành 3 danh mục lớn: Màu sắc; Hình dạng & Biểu tượng (Icon); Kiểu chữ (Fonts).
Cùng bắt đầu nhé!
Màu sắc
Sai lầm # 1: Sử dụng màu sắc không liên quan đến thương hiệu
Màu sắc có thể định hướng cách nhìn và tác động đến cảm xúc của chúng ta. Vì vậy, hãy coi màu sắc như một phần tính cách của thương hiệu.
Màu sắc logo cần phải phản ánh thương hiệu của bạn. Một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất trong thiết kế logo là sử dụng màu sắc không liên quan đến tính cách, đặc điểm và hình ảnh thương hiệu của bạn. Đây là điều tối kỵ và cần phải tránh bằng mọi giá.
Tông màu (tint) và sắc thái (shade) xác định sự hấp dẫn của logo với người nhìn.
Một trong những lý do phổ biến nhất khiến các tông màu không phối hợp tốt với nhau là chúng có độ tươi sáng (saturation) và độ đen trắng (value) khác nhau. Trừ khi bạn là một nhà thiết kế dày dạn kinh nghiệm, việc kết hợp thành công hai màu đối lập như đỏ thuần và xanh dương pastel là RẤT KHÓ.
Hãy nhìn vào hình ảnh bên dưới, bạn sẽ hiểu ý của chúng tôi.
Các tông màu trên cùng một hàng phối hợp với nhau nhìn “vừa mắt” hơn là với các hàng dưới đúng không nào?
Hãy chọn màu sắc trong logo có cùng độ tươi sáng và độ đen trắng. Logo Mastercard là một ví dụ tuyệt vời: hãy để ý xem, sắc thái của mỗi màu đỏ và vàng là y hệt nhau. Bây giờ hãy tưởng tượng nếu màu đỏ bớt sáng hơn 50%. Liệu màu đỏ nhạt có phù hợp với sự tươi sáng của màu vàng không? Chắc chắn là không!
Sai lầm # 3: Sử dụng quá nhiều màu
Đôi khi sử dụng nhiều màu sắc cũng có hiệu quả (ví dụ như logo NBC). Nhưng trừ khi bạn bán gấu bông cầu vồng, bạn không nên sử dụng mọi màu sắc mình muốn.
Trên thực tế, việc sử dụng quá nhiều màu báo hiệu rằng bạn không thể quyết định nên chọn màu nào. Việc này làm cho thông điệp và hình ảnh thương hiệu của bạn không rõ ràng — và do đó làm giảm khả năng gây ấn tượng với khách hàng mục tiêu.
Logo Pepsi là một ví dụ hoàn hảo về sự kết hợp màu sắc đơn giản nhưng hiệu quả. Hãy chú ý cách Pepsi sử dụng khoảng trống màu trắng để ngăn cách các màu sắc và nhấn mạnh sự tương phản của chúng.
Sai lầm # 4: Sử dụng các dải màu không đúng cách, chưa nhất quán
Ngày nay, logo sử dụng dải màu đang trở thành xu hướng cho nhiều doanh nghiệp.
Ví dụ: Instagram, Tinder, Firefox,…
Tuy nhiên, một lời khuyên dành cho các nhà thiết kế: những logo này có các quy tắc thiết kế rất nghiêm ngặt về vị trí của dải màu và sự chuyển tiếp giữa các màu sắc. Bạn phải đảm bảo dải màu xuất hiện trong tất cả các thành phần của bộ nhận diện thương hiệu.
Ví dụ: Bộ nhận diện thương hiệu của Mozilla.
Hình dạng và Biểu Tượng (Icon)
Ẩn sau những logo thất bại là sự thiếu tinh tế trong cách ứng dụng hình dạng và ký hiệu. Cả hai yếu tố này đều là thành phần không thể thiếu của logo, bạn nên biết những điều NÊN và KHÔNG NÊN khi làm việc với chúng.
Sai lầm # 5: Sử dụng khung văn bản không đúng cách
Khung văn bản là một cách tuyệt vời để đưa văn bản vào logo. Nhưng bạn cần căn chỉnh sao cho cân bằng, phù hợp.
Khung quá lớn thì dòng text sẽ bị lấn át bởi không gian trống còn lại. Khung quá nhỏ thì dòng text cảm giác như bị đóng hộp. Tương tự, sử dụng sai kiểu dáng khung sẽ làm giảm giá trị thẩm mỹ của logo .
Nguyên tắc là, hãy tự hỏi xem việc bổ sung khung có giúp tăng cường hay làm mất đi tính biểu tượng của logo hay không?
Mẹo: Nếu bạn thực sự gặp khó khăn trong việc xử lý chiếc khung, tốt nhất là hãy bỏ nó đi!
Sai lầm # 6: Biểu tượng (Icon) trên logo không phù hợp
Icon là biểu tượng được sử dụng cùng với hoặc tách biệt với phần text trên logo. Các icon nổi tiếng có mối quan hệ “cộng sinh” hiệu quả với phần text văn bản và cũng có thể hoạt động riêng lẻ mà vẫn ấn tượng.
Icon không hợp lý sẽ thu hút sự chú ý một cách tiêu cực, không có ý nghĩa gì và làm suy yếu thông điệp của thương hiệu. Để tránh tình huống trên xảy ra, hãy sử dụng những icon có liên quan đến ý nghĩa và thông điệp mà bạn muốn bày tỏ .
Ví dụ: Headspace có icon logo vô cùng đơn giản. (Nó thực sự chỉ có một hình tròn)
Nhưng tại sao nó hiệu quả đến vậy? Vì nó phù hợp với thương hiệu. Nếu quan sát kỹ, bạn có thể thấy hình tròn đó không hoàn hảo. Headspace là một App (ứng dụng) về sức khỏe tâm lý, logo với hình tròn không hoàn hảo ấy thể hiện xuất sắc thông điệp của thương hiệu “hãy chấp nhận mọi thứ như chúng vốn có, mọi thứ đều không hoàn hảo”.
Sai lầm # 7: Không có sự phân cấp nội dung trong Logo
Phải có sự phân cấp rõ ràng giữa các phông chữ trong thiết kế. Bạn muốn khách hàng nhìn vào đâu đầu tiên? Bạn muốn họ nhận được những thông tin gì và theo thứ tự nào? Có một “flow” điều hướng mắt nhìn từ icon logo, phông chữ chính và phông chữ phụ không?
Phân cấp nội dung là thiết kế sao cho phù hợp với thói quen nhìn tự nhiên của mắt. Đầu tiên chúng ta nhìn thấy những thứ lớn, độ tương phản cao và màu sắc tươi sáng, tiếp theo là những thứ nhỏ, độ tương phản thấp và màu sắc buồn tẻ.
Sai lầm # 8: Tỉ lệ của các thành phần trong Logo không hợp lý
Tỷ lệ có tác động rất lớn đến cách chúng ta xử lý một hình ảnh. Sự thay đổi nhỏ nhất về tỷ lệ của các thành phần trong logo cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Một sai lầm phổ biến mà mọi người thường mắc phải là có một icon logo thật LỚN mà một dòng văn bản thì nhỏ xíu. Như đã nói, phải phân cấp nội dung trong thiết kế theo trình tự mắt nhìn. Điều này có nghĩa là bạn phải điều chỉnh hài hòa tỉ lệ của mọi yếu tố trong logo.
Kiểu chữ (Fonts)
“Lời nói không bằng cách nói”. Việc lựa chọn phông chữ phù hợp là thiết yếu trong thiết kế logo. Một trong những lỗi phổ biến nhất là việc sử dụng chưa nhuần nhuyễn các kiểu chữ.
Sai lầm # 9: Chọn phông chữ không phù hợp
Điều quan trọng là bạn phải chọn phông chữ phù hợp với câu chuyện và thông điệp thương hiệu.
Ví dụ: khi thiết kế logo cho một công ty công nghệ tiên tiến, bạn không nên sử dụng những phông chữ thảo, phức tạp, kiểu cũ.
Tương tự, hãy đảm bảo rằng phông chữ của bạn có đủ độ tương phản để người nhìn dễ dàng nhận thấy. Quá ít tương phản hoặc quá ít sự phân biệt giữa văn bản và màu nền sẽ khiến mọi người khó đọc.
Font chữ của bạn phải phù hợp với đặc điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn kinh doanh.
Ví dụ: Sans serif là một font chữ hoàn hảo cho các sản phẩm hiện đại vì tính linh hoạt và khả năng hiển thị rõ ràng của chúng trên các phương tiện truyền thông.
Hãy xem thêm về Tâm lý học font chữ trong thiết kế tại đây để ứng dụng fonts một cách hiệu quả nhất.
Sai lầm # 10: Căn chỉnh cẩu thả
Nếu bạn không sử dụng logo chỉ có icon thuần hoặc font chữ “custom”, bạn nên sắp xếp font chữ trong văn bản đúng cách.
Hãy nhớ rằng chúng ta thường đọc từ trái sang phải.
Đối với kerning fonts chữ logo (căn chỉnh các chữ cái), một sai lầm mọi người thường mắc phải là sử dụng khoảng cách chính xác bằng nhau giữa các chữ cái, thay vì tập trung làm cho chúng dễ đọc hơn. Thiết kế là để truyền tải, hãy giúp người đọc dễ dàng hiểu được thông điệp đó hơn nhé.
Sai lầm # 11: Phối hợp phông chữ chưa tốt
Các phông chữ phụ trong logo phải luôn hỗ trợ cho phông chữ chính. Một sai lầm khác khi thiết kế logo là ghép nối các phông chữ không phù hợp.
Mẹo: Chỉ nên dùng tối đa hai phông chữ khi thiết kế logo: một phông chữ nổi trội hơn và một phông chữ “khiêm nhường” hơn.
Phông chữ chính nên mô tả thông tin chính yếu nhất – như tên công ty, còn phông chữ phụ sử dụng để cho mọi người biết bạn cung cấp dịch vụ gì.
Và nhất thiết đừng có dùng nhiều hơn một phông chữ phức tạp!
Ví Dụ font chữ phức tạp: Font chữ Display – bạn có thể xem thêm về font chữ Display tại đây
Sai lầm # 12: Slogan trên logo quá dài.
Nhanh gọn. Đơn giản. Đủ ý. Hãy giúp mọi người hiểu thêm về doanh nghiệp bằng Slogan, nhưng đừng cho cả một bài luận vào logo.
Những Slogan tốt sẽ có 2 đặc điểm
- Mang tính mô tả: chúng cho mọi người biết bạn là ai, làm gì,…
- Sáng tạo: chúng bày tỏ tính cách thương hiệu của bạn và giá trị của dịch vụ bạn cung cấp.
TÓM LẠI
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi này
- Bạn có thể nhìn thấy mọi thành phần trong logo rõ ràng?
- Trông logo có đẹp không?
- Sự phân bố nội dung có logic không?
- Các màu sắc có hài hoà với nhau không?
- Logo có phù hợp với tính cách, hình ảnh của thương hiệu?
- Logo có thể hiển thị tốt, rõ ràng trên các kênh truyền thông đa phương tiện? (báo in, trang web, mạng xã hội,…)
Về tổng thể, một bản thiết kế nói lên hiệu quả của mỗi lựa chọn bạn đưa ra. Mặc dù việc thêm mười hình khối, mười lăm phông chữ, ba cái khung và toàn bộ phổ màu vào logo rất “hấp dẫn”, tốt nhất đừng nên làm vậy nhé. Việc đó sẽ khiến khách hàng nghĩ rằng bạn thiếu quyết đoán và đang mất kiểm soát.
Hiểu luật rồi mới có thể lách luật, một cách hiệu quả và chỉ khi cần thiết. Cho đến lúc đó, hãy tránh mắc phải những sai lầm khi thiết kế logo bằng cách giữ cho mọi thứ thật đơn giản.
Khách hàng càng nhanh hiểu được thông điệp của thương hiệu thì càng tốt!
Nguồn: https://looka.com/blog/logo-mistakes/
About Us
Nếu bạn có nhu cầu tư vấn dịch vụ thiết kế logo đẹp, chuyên nghiệp, hãy liên lạc với Lasso qua hotline 092.561.5535 hoặc qua link sau để được chúng tôi tư vấn và báo giá.
Follow các bài viết chất lượng của Lasso tại:
Blog Lasso: https://lasso.vn/blog/
Facebook: Lasso Agency
Case study Behance: Lasso Agency