Mặc dù tất cả logo đều là sự kết hợp giữa text và hình ảnh, mỗi kiểu logo lại mang đến cho thương hiệu một cảm giác khác nhau. Logo là điểm chạm đầu tiên của thương hiệu mà khách hàng được tiếp xúc, hãy bảo rằng cách thể hiện của logo là hiệu quả và phù hợp. Dưới đây là 7 kiểu logo dành cho doanh nghiệp:
1. Logo từ những chữ cái viết tắt tên doanh nghiệp (Lettermark)
Lettermark là kiểu logo bao gồm các chữ cái, thường là tên viết tắt của những doanh nghiệp nổi tiếng với cái tên khá dài. Ví dụ như: FLC, CNN, HP, HBO… Với tên thương hiệu chỉ bao gồm 2 hoặc 3 chữ cái cần nhớ, thật hợp lý khi những doanh nghiệp này sử dụng logo lettermark để đại diện cho tổ chức của họ.
Lettermark chủ trọng sự đơn giản. Chỉ sử dụng một vài ký tự, logo lettermark rất hiệu quả trong việc đơn giản hóa bất kỳ thương hiệu nào có một cái tên dài. Ví dụ, “NASA” dễ dàng để nói và nhớ hơn so với “Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia” đúng không?
Chữ cái là trọng tâm của kiểu logo lettermark. Vì vậy, font chữ bạn chọn vô cùng quan trọng để đảm bảo logo không chỉ phù hợp với hình ảnh công ty mà còn đảm bảo sự rõ ràng khi in trên danh thiếp. Ngoài ra, khi chưa phải là một doanh nghiệp nổi tiếng, để người nhìn biết được bạn là ai, hãy thêm tên đầy đủ của doanh nghiệp bên dưới kiểu logo này.
>> Lấy cảm hứng từ top 10 logo nổi tiếng nhất thế giới
2. Logo từ tên doanh nghiệp (Wordmark)
Tương tự như lettermark, wordmark là một kiểu logo dựa trên font chữ, tập trung vào tên của doanh nghiệp. Ví dụ: logo của Visa và Coca-Cola.
Logo Wordmark vô cùng phù hợp khi công ty có một cái tên ngắn gọn và riêng biệt. Logo của Google là một ví dụ. Bản thân cái tên đã hấp dẫn và dễ nhớ, do đó, khi kết hợp với kiểu chữ nổi bật, sẽ tạo ra sự nhận diện thương hiệu mạnh mẽ.
Font chữ sẽ là một yếu tố quyết định với wordmark. Vì trọng tâm logo là tên doanh nghiệp, bạn nên chọn một phông chữ phản ánh đúng tính cách của doanh nghiệp.
Ví dụ: các nhãn thời trang có xu hướng sử dụng phông chữ sạch sẽ, thanh lịch, tạo cảm giác cao cấp, trong khi các cơ quan pháp luật hoặc chính phủ hầu như luôn sử dụng văn bản truyền thống, “nặng hơn” để cảm thấy an toàn.
Để hiểu rõ hơn về cách ứng dụng font chữ trong logo, hãy xem bài viết sau: Tâm Lý Học Font Chữ Trong Thiết Kế
Khi nào nên sử dụng Lettermark và Wordmark?
- Hãy xem xét kiểu logo sử dụng lettermark nếu doanh nghiệp có một cái tên dài. Viết tắt tên doanh nghiệp sẽ giúp đơn giản hóa thiết kế của bạn và tương tự như vậy, khách hàng sẽ dễ dàng nhớ lại doanh nghiệp và logo của bạn hơn.
- Wordmark là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn là một doanh nghiệp mới và cần đưa tên mình ra ngoài thị trường, chỉ cần đảm bảo rằng tên đó đủ ngắn để tận dụng lợi thế của thiết kế. Bất cứ thứ gì quá dài có thể trở nên lộn xộn.
- Cả logo lettermark và wordmark đều có thể được thể hiện dễ dàng trên các tài liệu Marketing và thương hiệu (card, hình ảnh, brochure, profile,…). Do đó, chúng là những lựa chọn thích hợp cho một doanh nghiệp mới và đang phát triển.
- Cẩn thận khi lựa chọn logo lettermark hoặc wordmark. Tên doanh nghiệp được thể hiện chỉ bằng một phông chữ có thể sẽ không đủ khác biệt để thể hiện sắc thái thương hiệu. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đang làm việc với một chuyên gia thiết kế có mắt nhìn và khả năng sáng tạo.
3. Logo chỉ sử dụng biểu tượng (Icon – Symbols)
Logo bằng hình ảnh (biểu tượng) là kiểu logo dựa trên đồ họa. Đó có thể là hình ảnh xuất hiện trong đầu bạn khi bạn nghĩ đến “biểu tượng”: biểu tượng “quả táo” của Apple, “con chim” của Twitter, “tâm điểm” của Target.
Mỗi logo của các công ty này đều mang tính biểu tượng và mỗi thương hiệu phổ biến đến mức chỉ nhìn biểu tượng là có thể nhận ra ngay lập tức. Một logo dạng này thực sự chỉ bao gồm một hình ảnh. Vì vậy, nó sẽ không thích hợp với các công ty mới hoặc không có khả năng nhận diện thương hiệu rộng rãi.
Điều quan trọng nhất doanh nghiệp cần cân nhắc khi sử dụng kiểu logo này sử dụng biểu tượng nào. Đây là hình ảnh sẽ gắn bó với toàn bộ sự tồn tại của công ty. Bạn cần suy nghĩ sâu hơn về hàm ý của hình ảnh bạn chọn. Ví dụ như cách World Wildlife Foundation (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) sử dụng hình ảnh cách điệu của một con gấu trúc – một loài đáng yêu và có nguy cơ tuyệt chủng, để khơi gợi cảm xúc từ người nhìn.
>> “Ngắm nhìn” một số logo tuyệt vời tại đây
4. Logo từ các hình ảnh trừu tượng (Abstract logo marks)
Logo trừu tượng cũng là một loại logo sử dụng hình ảnh. Thay vì là một hình ảnh dễ nhận biết — như một quả táo hoặc một con chim — đó là một dạng hình học trừu tượng đại diện cho doanh nghiệp. Một vài ví dụ nổi tiếng bao gồm logo của Pepsi và Adidas.
Logo trừu tượng cô đọng thương hiệu doanh nghiệp thành một hình ảnh duy nhất. Tuy nhiên, thay vì bị giới hạn trong hình ảnh của một thứ dễ nhận biết, các logo trừu tượng cho phép bạn tạo ra hình ảnh độc đáo để đại diện cho thương hiệu.
Lợi ích của logo trừu tượng là bạn có thể truyền đạt tính cách thương hiệu một cách hiệu quả mà không bị bó buộc trong một hình ảnh cụ thể nào. Mỗi người sẽ có một cách hiểu riêng về ý nghĩa logo, điều này sẽ khiến doanh nghiệp trở nên thú vị và nổi bật hơn trong mắt người tiêu dùng.
Khi nào nên sử dụng logo hình ảnh:
- Logo chỉ sử dụng biểu tượng (icon – symbol) sẽ hiệu quả nếu bạn đã có một thương hiệu lâu đời. Bạn có thể sử dụng icon để xác lập hình ảnh thương hiệu nếu tên doanh nghiệp quá dài. Chúng cũng rất hiệu quả nếu bạn muốn truyền đạt một ý tưởng hoặc tạo nên một cảm xúc nhất định cho thương hiệu.
- Các logo sử dụng hình ảnh biểu tượng (symbol) hoặc trừu tượng (Abstract) cũng phù hợp trong quá trình thương mại toàn cầu, trong trường hợp tên doanh nghiệp không phù hợp với bản dịch quốc tế hóa. Ví dụ trường hợp tên thương hiệu của hãng vận chuyển Tăng Tốc. Cái tên rất ổn cho đến khi nó được viết theo quy chuẩn quốc tế bằng tiếng Anh, nó trở thành “Tang Toc” – một từ kém may mắn, điều này đã khiến cho khách hàng mất đi một phần thiện cảm và sự tin tưởng với thương hiệu.
- Tuy nhiên, các loại logo sử dụng biểu tượng không phải là ý tưởng tốt nếu bạn muốn thay đổi mô hình kinh doanh. Bạn có thể bắt đầu từ bán pizza và sử dụng một chiếc bánh pizza trong logo của mình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn kinh doanh kết hợp thêm bánh mì thì sao?
- Kiểu logo trừu tượng cho phép bạn tạo ra một hình ảnh độc đáo cho thương hiệu. Tuy nhiên, hãy tìm đến những chuyên gia có hiểu biết về kết hợp màu sắc, hình dạng và cấu trúc để tạo ra ý nghĩa cho logo.
5. Logo từ hình ảnh linh vật (Mascots)
Logo linh vật là kiểu logo bao gồm nhân vật hoạt họa. Mascots chỉ đơn giản là một nhân vật hoạt hình đại diện cho công ty của bạn. Mascots thường đầy màu sắc và luôn vui nhộn, nó là một công cụ tuyệt vời để tạo ra người đại diện thương hiệu của riêng doanh nghiệp.
Các linh vật nổi tiếng bao gồm “ông già” KFC’s, bộ linh vật của Baemin, linh vật mỗi mùa World Cup,… Linh vật rất phù hợp cho các công ty muốn tạo ra một bầu không khí lành mạnh để thu hút các gia đình và trẻ em.
Khi nào nên sử dụng logo Mascots
- Hãy nghĩ đến việc tạo một linh vật nếu doanh nghiệp đang cố gắng thu hút khách hàng là trẻ nhỏ hoặc các gia đình. Một lợi ích lớn của linh vật là khả năng khuyến khích sự tương tác của khách hàng. Linh vật là một công cụ tuyệt vời khi Marketing trên mạng xã hội và kể cả ngoài đời thực.
- Tuy nhiên, linh vật chỉ là một phần của logo và nó không phải là một kiểu hình ảnh dễ dàng in ấn trên các loại tài liệu. Ví dụ, một mascot quá chi tiết có thể không thể in được rõ ràng trên danh thiếp.
6. Logo kết hợp
Logo kết hợp là một kiểu logo bao gồm cả icon và text. Hình ảnh và văn bản có thể được đặt cạnh nhau, xếp chồng lên nhau hoặc lồng vào nhau. Một số logo kết hợp nổi tiếng bao gồm Burger King và Lacoste.
Logo kết hợp là một lựa chọn linh hoạt, nó có cả text và biểu tượng cùng đại diện cho thương hiệu. Với logo kết hợp, công chúng có thể liên kết tên thương hiệu với icon/biểu tượng của bạn ngay lập tức! Khi thương hiệu đã phát triển, bạn có thể lược bỏ phần text, chỉ cần icon logo để khách hàng nhận dạng doanh nghiệp. Ngoài ra, nhờ có sự kết hợp của cả biểu tượng và tên thương hiệu, logo kiểu này thường dễ đăng ký bảo hộ hơn là chỉ có icon đơn thuần.
7. Logo lấy cảm hứng từ huy hiệu:
Kiểu logo này được lấy cảm hứng từ những chiếc phù hiệu, con dấu và gia huy. Chúng nổi bật với vẻ ngoài truyền thống, cổ điển, do đó, thường là lựa chọn của nhiều trường học, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ.
Ngành công nghiệp ô tô cũng rất ưa chuộng các logo huy hiệu. Mặc dù mang phong cách cổ điển, một số công ty đã hiện đại hóa thiết kế logo để phù hợp với thế kỷ 21 (ví dụ phù hiệu “nàng tiên cá” của Starbucks hoặc biểu tượng nổi tiếng của mô tô Harley-Davidson).
Logo lấy cảm hứng từ huy hiệu nghiêng về sự chi tiết của hình ảnh hơn, tên và biểu tượng cũng được lồng ghép với nhau. Một thiết kế phức tạp như vậy sẽ không dễ dàng để thể hiện trên các tài liệu Marketing. Đối với danh thiếp/card, một logo huy hiệu có thể bị thu nhỏ đến mức trở nên quá khó nhìn. Ngoài ra, nếu bạn định thêu các loại biểu tượng này lên mũ hoặc lên áo, bạn sẽ phải tạo ra một thiết kế đơn giản hơn. Vì vậy, hãy giữ cho thiết kế của mình không quá phức tạp.
Khi nào nên sử dụng logo kết hợp hoặc logo huy hiệu:
- Logo kết hợp là sự lựa chọn tuyệt vời cho hầu hết doanh nghiệp. Nó linh hoạt, độc đáo và do đó là sự lựa chọn phổ biến nhất của nhiều công ty nổi tiếng.
- Vẻ ngoài cổ điển của logo huy hiệu có thể được nhiều cơ quan nhà nước và trường học ưa chuộng. Nó cũng khá phù hợp với các doanh nghiệp tư nhân đang phát triển, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống (Ví dụ: Starbucks). Nhưng hãy nhớ, bạn vẫn nên chọn một thiết kế đơn giản, thể hiện được rõ ràng trên các tài liệu Marketing.
Bạn muốn tìm hiểu về thiết kế logo? Xem thêm tại đây.
Nguồn: https://99designs.com/blog/tips/types-of-logos/
About Us
Lasso Agency là đơn vị cung cấp dịch vụ thiết kế chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, cùng các gói dịch vụ đa dạng:
- Thiết kế Logo;
- Thiết kế Bộ Nhận Diện Thương Hiệu;
- Thiết kế Lịch Độc Quyền;
- Thiết kế Profile – Hồ Sơ Năng Lực Doanh Nghiệp;
- Thiết Kế Brochure, tờ rơi;
- …
Với hơn 10 năm kinh nghiệm, Lasso là đơn vị đứng sau sự thành công của các bộ nhận diện thương hiệu: Văn Phòng Phẩm Hồng Hà, Thẻ Chip Nội Địa BIDV, Vietnam Sightseeing – Xe Bus 2 Tầng,… cùng hàng trăm đơn vị kinh doanh Food&Business trong và ngoài nước.
Hãy liên lạc với Lasso qua hotline 092.561.5535 để được chúng tôi tư vấn và báo giá.
Follow các bài viết chất lượng của Lasso tại:
Blog Lasso: https://lasso.vn/blog/
Facebook: Lasso Agency
Case study Behance: Lasso Agency