Điều gì làm nên một cái tên thương hiệu “tốt”? Chủ doanh nghiệp liệu có thể đặt theo ý thích được không? Hay có một bí quyết nào đó mà doanh nghiệp có thể dựa vào?
Những tên thương hiệu lớn như KFC, Amazon, Vingroup,… đều có những điểm chung nhất định. Đó là họ chọn được những cái tên đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí sau:
1. Tên Thương Hiệu Có Thể Đăng Ký Bảo Hộ
Tên thương hiệu phải được pháp luật bảo hộ nếu doanh nghiệp không muốn sản phẩm của mình dễ dàng bị nhái, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh công ty. Cái tên dù hay và phù hợp đến đâu, nếu không bảo hộ được, sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn là lợi ích.
2. Tên thương hiệu có thể đăng ký được tên miền:
Trong thời đại số, việc phát triển thương hiệu truyền thống phải đi kèm với phát triển thương hiệu điện tử. Và Website là yếu tố thiết yếu nhất tạo nên sự nhận diện trên môi trường số của doanh nghiệp.
Domain website nên được lấy theo tên thương hiệu để khách hàng có thể dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên, nếu tên thương hiệu không thể đăng ký tên miền, bạn có hai phương án là viết lái đi tên thương hiệu làm tên miền hoặc tìm đến một tên khác thay thế.
Tips: Đăng ký tên miền ngay khi bạn chọn được tên thương hiệu và đăng ký quyền bảo hộ.
3. Tên doanh nghiệp nên tránh những liên tưởng tiêu cực:
Khi đặt tên, doanh nghiệp nên suy nghĩ đến mọi khía cạnh của cái tên đó, từ ảnh hưởng về văn hoá đến nghĩa của tên khi đặt trong ngôn ngữ khác.
Năm 2019, ngôi sao truyền hình thực tế người Mỹ Kim Kardashian ra mắt dòng nội y định hình dành cho mọi hình dáng cơ thể mang tên Kimono Solutionwear. Cái tên là sự kết hợp của tên người sáng lập – Kim và từ “mono” – mang nghĩa “chỉ một màu”. (Đây là thương hiệu chuyên về các dòng nội y có màu sắc, kiểu dáng tối giản)
Ngay sau khi được công bố, cái tên Kimono dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội trong cộng đồng người Nhật, họ lên án rằng Kimono vốn là tên Quốc phục cao quý gắn với lịch sử lâu đời của người Nhật Bản, Kim Kardashian làm vậy là xúc phạm đến nền văn hoá của họ. Việc Kim Kardashian đăng ký quyền bảo hộ cho cái tên này còn khiến nhiều người Nhật bất bình hơn.
Hoặc trường hợp tên thương hiệu của hãng vận chuyển Tăng Tốc. Cái tên rất ổn cho đến khi nó được viết theo quy chuẩn quốc tế bằng tiếng Anh, nó trở thành “Tang Toc” – một từ kém may mắn, điều này đã khiến cho khách hàng mất đi một phần thiện cảm và sự tin tưởng với thương hiệu.
4. Tên thương hiệu đơn giản, dễ nhớ nhưng vẫn thể hiện được sự khác biệt và ngành nghề sản phẩm doanh nghiệp kinh doanh
Sau đây là gợi ý một số cách đặt tên thương hiệu cho doanh nghiệp:
4.1 Tên thương hiệu từ tên cá nhân:
Việc tên của người sáng lập trở thành tên thương hiệu không còn gì là xa lạ, nhưng bạn đã biết cách biến tấu sao nó trở nên thu hút, độc đáo hơn chưa?
- Dùng đại từ xưng hô: Cô Ba Sài Gòn,..
- Dùng tên thật kêu: Áo Dài Hồng Nhung,…
- Dùng tên và họ: Nguyễn Kim
- Kết hợp từ Hán Việt: Bảo Tín Minh Châu
- Kết hợp với từ tiếng Anh liên quan đến sản phẩm: Hạnh Silk
4.2. Mang đặc trưng sản phẩm:
Hãy đặt một cái tên có thể giúp khách hàng nhận ra ngay dịch vụ của bạn là gì: Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Vieclam24h,…
4.3 Dùng từ viết tắt để tạo sự mới mẻ cho thương hiệu:
Ví dụ: Vinaconex, Vinamilk, Vingroup, Vinfast… với các chữ Vina hay Vin đều nghĩa là Việt Nam.
Một cách viết tắt tên thương hiệu khác đó là: KFC, VP Bank, ACB,… tuy rất dễ nhớ nhưng khó thu hút sự chú ý và để lại ấn tượng, cảm xúc trong lòng khách hàng.
4.4 Dựa trên đặc điểm của cửa hàng:
Ví dụ: Tiệm bánh Cối Xay Gió, Bánh Mì Pate Cột Đèn,…
Phương pháp này phù hợp với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải trí, hãy dựa trên các điểm nổi bật và dễ nhận diện về địa điểm để đặt tên cho thương hiệu.
4.5 Chứa tên riêng, mang hàm nghĩa ẩn dụ:
Sử dụng tên riêng trong tên thương hiệu giúp người tiêu dùng dễ hình dung hơn về đặc điểm dịch vụ và loại hình sản phẩm mà doanh nghiệp kinh doanh. Đằng sau mỗi sự vật hiện tượng đều có một ý nghĩa riêng. Vì vậy, để đặt được cái tên mang ý nghĩa sâu sắc, bạn phải hiểu rõ về đặc điểm, lợi ích và công dụng sản phẩm của mình.
Ví dụ: Con sông Amazon có chiều dài 6.992 km và là con sông dài nhất thế giới. Jeff Bezos lấy tên Amazon, kết hợp với thiết kế logo có mũi tên chỉ từ A đến Z, nhằm thể hiện sự đa dạng sản phẩm của sàn điện tử này.
4.6 Dùng tiếng nước ngoài để đặt tên doanh nghiệp:
Tiếng nước ngoài giúp thương hiệu có vẻ ngoài cao cấp, sang trọng và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt nếu là tiếng Anh, tên doanh nghiệp cùng ý nghĩa của nó vẫn sẽ được giữ nguyên khi tiếp cận người tiêu dùng quốc tế. Đây là lí do kiểu hình tên thương hiệu này đã và đang rất được ưa chuộng với những doanh nghiệp Việt.
Ví dụ: Ivy De Fleur, BiLuxury, Adam Store,…
4.7 Tên thương hiệu là phiên âm:
Đây là một cách làm vô cùng mới mẻ và dễ nhớ, giúp tăng khả năng nhận diện của thương hiệu. Phong cách này đang dần trở thành xu hướng với nhiều thương hiệu lớn:
Ví dụ: Tiktok, Cốc Cốc, Haidilao, Dimsum,…
5. Phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu
Trước khi đặt tên, chủ doanh nghiệp phải xác định rõ:
- Thị trường mục tiêu (Việt Nam – nước ngoài)
- Phân khúc thị trường mục tiêu (thấp – trung – cao)
- Khách hàng mục tiêu (Địa điểm, lối sống, sở thích,…)
Tên thương hiệu bằng tiếng Anh sẽ không phù hợp với người Việt phân khúc bình dân. Với tệp khách hàng này, doanh nghiệp cần hướng một cái tên đơn giản, dễ nhớ nhất có thể để khách hàng cảm nhận được sự gần gũi. Ngược lại, khi khách hàng mục tiêu của thương hiệu định vị ở phân khúc cao cấp, tên tiếng Anh sẽ tạo cảm giác sang trọng hơn.
TÓM LẠI
Một thương hiệu mạnh là thương hiệu được xây dựng từ cơ sở của cả hai yếu tố: tên thương hiệu “tốt” và chất lượng sản phẩm vượt trội. Mặc dù tên thương hiệu rất quan trọng, là bộ mặt, là tiếng nói đại diện của thương hiệu, chất lượng sản phẩm mới là yếu tố doanh nghiệp nên chú trọng hàng đầu. Sản phẩm là nền móng của doanh nghiệp, nền tảng có vững chắc thì phát triển mới dài lâu. Một cái tên có dễ nhớ, độc đáo đến đâu cũng không thể cứu vãn được một sản phẩm tồi.
About Us
Nếu bạn có nhu cầu tư vấn dịch vụ thiết kế logo và bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng, chuyên nghiệp, hãy liên lạc với Lasso qua hotline 092.561.5535 hoặc qua link sau để được chúng tôi tư vấn và báo giá.
Follow các bài viết chất lượng của Lasso tại:
Blog Lasso: https://lasso.vn/blog/
Facebook: Lasso Agency
Case study Behance: Lasso Agency